Dù là mùa đông lạnh giá hay vào tiết trời mát mẻ của mùa xuân, mùa thu, bạn đều có thể bị hành hạ bởi các dấu hiệu viêm xoang mũi như: đau nhức, tắc mũi, khó thở, chảy nước mũi…. 5 lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn dễ dàng phòng và chữa bệnh cho bản thân mình…
5 điều bệnh nhân viêm xoang mạn tính cần biết
1. Cần hiểu rõ nguyên nhân gây viêm xoang
Đây là điều đầu tiên bạn cần phải làm để ngăn chặn viêm xoang tái phát. Viêm xoang mạn tính có thể do nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân như: do các bệnh tích ở răng, do yếu tố nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, khói bụi, do các dị hình ở mũi, u mũi, do môi trường lạnh, ẩm kéo dài … Đây là các nguyên nhân đơn giản, có thể dễ dàng giải quyết nhờ phẫu thuật hoặc thay đổi môi trường sống và làm việc.
Hoa không còn đẹp với người cơ địa dị ứng
Bên cạnh đó cũng có một số nguyên nhân rất khó giải quyết, trong đó thường gặp nhất là do cơ địa dị ứng. Viêm xoang mũi do dị ứng xuất hiện khi người bệnh tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, bụi nhà, thực phẩm, thuốc, lông thú, sự thay đổi thời tiết, nấm mốc… Ban đầu, bệnh nhân cảm thấy ngứa ngáy, buồn buồn trong mũi rồi hắt hơi hàng tràng, sau đó chảy nước mũi trong như nước mưa và bắt đầu ngạt tắc mũi, từ đó dẫn đến viêm mũi, viêm xoang.
Để ngăn ngừa viêm xoang dị ứng, trước tiên, bạn cần phải xác định được dị nguyên và thay đổi thói quen, môi trường sống để tránh tiếp xúc với các dị nguyên này. Nếu muốn điều trị dứt điểm, bạn cần dùng đến phương pháp điều trị đặc hiệu là giải mẫn cảm. Tuy nhiên đây là một phương pháp tốn kém và thường kéo dài từ 6 tháng đến 5 năm.
2. Luôn chú ý đến độ ẩm không khí trong nhà
Là một bệnh nhân xoang mạn tính, bạn cần luôn chú ý và điều chỉnh độ ẩm tại nơi làm việc và sinh sống của mình. Tiết trời hanh khô, màng mũi và niêm mạc xoang dễ bị khô và khiến chất nhầy niêm mạc dầy lên. Điều này làm tăng khả năng tắc nghẽn và dẫn đến đau nhức xoang. Vì vậy, bạn cần xem xét đặt máy phun sương, làm tăng độ ẩm trong phòng khi thời tiết hanh khô hoặc khi sử dụng máy điều hòa không khí.
3. Thường xuyên rửa sạch xoang mũi
Rửa mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý để loại bỏ các chất gây dị ứng, kích thích và làm sạch chất nhầy xoang mũi. Nước muối sinh lý có thể mua tại các hiệu thuốc hoặc bạn cũng có thể tự pha với tỷ lệ: một lít nước sôi để nguội với một thìa muối tinh sạch. Nước rửa mũi nên ở khoảng 30 độ – 40 độ C, không để nước quá lạnh hay quá nóng vì điều đó dễ gây kích thích và làm mất tác dụng.
4. Làm nở và giữ độ ẩm cho xoang
Đặt một chiếc khăn ấm và ẩm trên mặt vài lần trong ngày. Điều này sẽ giúp khoang xoang nở ra, làm tăng không gian lưu chuyển trong các hốc xoang của bạn, ngăn ngừa tắc nghẽn xoang.
Giữ các hốc xoang luôn ẩm ướt bằng cách hít hơi nước hai đến bốn lần một ngày. Cách đơn giản nhất là ngồi trong phòng tắm và mở vòi hoa sen nước nóng.
Uống nhiều nước cũng giúp làm loãng chất nhầy, tăng độ ẩm cho khoang mũi.
5. Sử dụng thuốc, thảo dược giảm các triệu chứng viêm xoang
Bạn nên kiểm soát tốt các triệu chứng khi bắt đầu có biểu hiện viêm xoang, tránh cho tình trạng viêm trở lên nặng hơn. Một số loại thuốc và thảo dược sau có thể giúp bạn giảm triệu chứng, ngăn ngừa viêm xoang:
– Thuốc giúp thông mũi: làm giảm triệu chứng tắc mũi, giảm đau nhức, sưng mũi, ví dụ như các thuốc có chứa hoạt chất: Naphazolin, Oxymentazolin, Phenylephrine… Không tự ý dùng các thuốc này trong quá 3 ngày. Nếu triệu chứng không đỡ, bạn cần có sự tham vấn của bác sĩ. Để an toàn hơn, bạn có thể sử dụng các bài thuốc dân gian từ thảo dược giúp thông xoang như: Hoắc đởm hoàn, Kim ngân hoa, Tạo giác thích …
– Một số thuốc giúp giảm đau, tiêu viêm, làm giảm tiết chất nhầy: nhiều thuốc thuộc nhóm này khá an toàn, bạn có thể tự mua và sử dụng như các thuốc có hoạt chất: Triamcinolone, Fluticasone… Tuy nhiên, không nên sử dụng các thuốc này trong quá 7 ngày mà không có sự tham vấn của bác sĩ.
– Các thuốc giúp giảm dị ứng trong trường hợp bạn bị viêm xoang dị ứng: ví dụ như các thuốc thuộc nhóm kháng Histamin. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một số thảo dược đã được chứng minh có tác dụng làm giảm dị ứng như Kinh giới tuệ, cây Tầm ma…